BẢN TIN THUẾ THÁNG 04/2021

 BẢN TIN THUẾ THÁNG 04/2021

 

(Thực hiện bởi Công ty Cổ phần Bkav)

I.    Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 3/2021 và Quý I/2021

II.   Thông báo về việc Nâng cấp ứng dụng Hỗ trợ kê khai (HTKK) theo kiến trúc và công nghệ mới phiên bản 4.5.5

III.  Ngành Thuế kiên quyết xử lý các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn

IV.   Doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

V.    Mức phạt tiền đối với các lỗi về chứng từ kế toán được quy định thế nào?

VI.   Đối tượng bắt buộc phải thực hiện kiểm toán nội bộ

VII.  Hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn gồm những gì?

VIII. Xử lý tài chính, tài sản mua, tiếp nhận của DATC đối với doanh nghiệp tái cơ cấu

IX.   04 trường hợp được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế năm 2020

X.    Thêm nhiều trường hợp không thu thuế xuất, nhập khẩu

XI.   Đổi thẻ căn cước công dân gắn chíp cần làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế

 

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 3/2021 và Quý I/2021

Bkav xin thông báo, do ngày cuối của kỳ kê khai Quý I/2021 trùng với kỳ nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/04 và Quốc tế Lao động 01/05 nên theo Quy định tại khoản 4 điều 8 thông tư số 156/2013/TT-BTC "Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó". Như vậy thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

  • Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Tháng 3/2021: hết hạn nộp vào thứ Ba ngày 20/04/2021.
  • Hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Quý I/2021: hết hạn nộp vào thứ Ba ngày 03/05/2021.

Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai sớm trước thời gian hết hạn ít nhất từ 1 đến 2 ngày để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

Trong quá trình kê khai, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng thực hiện theo 1 trong 4 cách dưới đây:

  • Cách 1 (cách nhanh nhất để được hỗ trợ hiệu quả): Chat trực tiếp tại link https://m.me/BkavCA hoặc https://zalo.me/4458938702350836836.
  • Cách 2: Gửi mail tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua địa chỉ BkavCA@bkav.com với nội dung mà Bạn cần hỗ trợ, Bkav sẽ phản hồi lại Bạn trong thời gian sớm nhất.
  • Cách 3: Liên hệ tổng đài 1900 1854.
  • Cách 4: Xử lý vấn đề đang gặp phải theo các bước đơn giản trong bài hướng dẫn tại https://noptokhai.vn/tvan/huong-dan hoặc tìm kiếm thông tin hướng dẫn về nghiệp vụ, cách sử dụng phần mềm tại https://Hotro.bkav.com.

Về mục lục

II. Thông báo về việc Nâng cấp ứng dụng Hỗ trợ kê khai (HTKK) theo kiến trúc và công nghệ mới phiên bản 4.5.5

Tổng cục Thuế thông báo nâng cấp ứng dụng Hỗ trợ kê khai (HTKK) phiên bản 4.5.5 đáp ứng Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính đồng thời cập nhật một số nội dung phát sinh trong quá trình triển khai ứng dụng HTKK 4.5.4, cụ thể như sau:

  • Cập nhật bộ báo cáo tài chính hợp nhất theo mẫu Thông tư số 200/2014/TT-BTC thành bộ báo cáo tài chính hợp nhất theo mẫu Thông tư số 202/2014/TT-BTC, cụ thể:
    • Bổ sung các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất:
      • Bổ sung chỉ tiêu “Lợi thế thương mại”- Mã số 269 trong phần “Tài sản” để phản ánh lợi thế thương mại phát sinh trong giao dịch hợp nhất kinh doanh;
      • Bổ sung chỉ tiêu “Lợi ích cổ đông không kiểm soát” – Mã số 429 và được trình bày là một chỉ tiêu thuộc phần vốn chủ sở hữu để phản ánh giá trị lợi ích của cổ đông không kiểm soát trong các công ty con.
    • Bổ sung các chỉ tiêu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất:
      • Bổ sung chỉ tiêu “Phần lãi hoặc lỗ trong công ty liên doanh, liên kết” – Mã số 24 để phản ánh phần lãi hoặc lỗ thuộc sở hữu của nhà đầu tư trong lãi hoặc lỗ của công ty liên doanh, liên kết khi nhà đầu tư áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu.
      • Bổ sung chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ” – Mã số 61 để phản ánh giá trị phần lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông mẹ trong kỳ.
      • Bổ sung chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát” – Mã số 62 để phản ánh giá trị phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát trong kỳ. 
  • Cập nhật Bộ Báo cáo tài chính năm theo TT200/2014/TT-BTC, Báo cáo tài chính giữa niên độ theo TT200/2014/TT-BTC, Báo cáo tài chính giữa niên độ đầy đủ hợp nhất theo TT200/2014/TT-BTC, Báo cáo tài chính hợp nhất theo TT202/2014/TT-BTC
    • Cập nhật chỉ tiêu [22] – Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác: Cho phép nhập âm dương

Bắt đầu từ ngày 26/03/2021, khi lập hồ sơ khai thuế có liên quan đến nội dung nâng cấp nêu trên, tổ chức, cá nhân nộp thuế sẽ sử dụng các chức năng kê khai tại ứng dụng HTKK 4.5.5 thay cho các phiên bản trước đây.

Tổ chức, cá nhân nộp thuế có thể tải bộ cài và tài liệu hướng dẫn sử dụng ứng dụng HTKK tại địa chỉ sau: http://www.gdt.gov.vn/wps/portal/home/hotrokekhai hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế địa phương để được cung cấp và hỗ trợ trong quá trình cài đặt, sử dụng.

Mọi phản ánh, góp ý của tổ chức, cá nhân nộp thuế được gửi đến cơ quan Thuế theo các số điện thoại, hộp thư hỗ trợ NNT về ứng dụng HTKK do cơ quan Thuế cung cấp.

(Nguồn: www.gdt.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

III. Ngành Thuế kiên quyết xử lý các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn

Trước tình hình doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn đang có những diễn biến khá phức tạp trong thời gian vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác chỉ đạo tiếp tục tổ chức nhận dạng doanh nghiệp, nắm bắt hành vi, cách thức để lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Tăng cường công tác quản lý thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu Cục trưởng, Chi cục trưởng giao cho bộ phận chức năng (các phòng; các đội) tiếp tục tổ chức nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (gọi chung là NNT) sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

  • Thứ nhất, tăng cường công tác thu thập thông tin dữ liệu về NNT do cục thuế, chi cục thuế đang quản lý và thông tin về NNT từ các cơ quan khác như: Thông tin giao dịch đáng ngờ từ Cơ quan giám sát Ngân hàng; Thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước khác (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng khác…); Đơn thư tố cáo; Phương tiện thông tin truyền thông…
  • Thứ hai, lập danh sách NNT có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp (NNT có rủi ro về hóa đơn): Rà soát, phân tích dữ liệu đã thu thập về NNT để nhận diện, xác định danh sách NNT có rủi ro về hóa đơn. Phân tích rủi ro để xác định NNT có rủi ro cao về hóa đơn.
  • Thứ ba, tổ chức giám sát chặt chẽ đối với NNT có rủi ro cao về hóa đơn: Phân công bộ phận chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn đối với NNT theo chế độ quy định; Kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế của NNT có rủi ro cao về hóa đơn thường xuyên, liên tục (tháng, quý); Kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước; Xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn.
  • Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Từ đó, thực hiện giải pháp hiệu quả và tránh được tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, tiết kiệm chi phí cho các loại giấy tờ, vận chuyển. 
  • Thứ năm, cơ quan thuế các cấp thực hiện phối hợp chặt chẽ với nhau trên phạm vi địa bàn một tỉnh, thành phố hoặc trên địa bàn khác nhau của tỉnh, thành phố trong cả nước theo Quy chế số 165/QĐ-TCT ngày 14/2/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế các cấp trong xử lý hồ sơ có dấu hiệu vi pháp pháp luật thuế có liên quan đến nhiều địa phương. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp chỉ đạo các bộ phận chức năng nghiêm túc chấp hành theo nguyên tắc, cách thức, nội dung, trách nhiệm, thời gian thực hiện… đã hướng dẫn của Quy chế nêu trên để trả lời kịp thời kết quả việc cung cấp thông tin, xác minh về: Đăng ký; Kê khai, nộp thuế; In, phát hành, sử dụng hóa đơn của NNT cho cơ quan thuế đề nghị phối hợp.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan

Trong công tác phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan có liên quan xử lý các đối tượng vi phạm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu Cục trưởng, Chi cục trưởng thường xuyên quan tâm chỉ đạo cơ quan thuế, bộ phận chức năng phối hợp với cơ quan Công an theo Quy chế số 1527/QCPH-TCT-TCCS ngày 31/10/2007 giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát. Cụ thể:

  • Một là, công tác phối hợp phải được triển khai chặt chẽ ngay từ khâu ban đầu đối với các vụ việc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an; Phối hợp trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; Hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; Dự tính số thuế bị thất thoát; Phối hợp chặt chẽ việc cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xử lý.
  • Hai là, Cục trưởng, Chi cục trưởng giao cho một bộ phận thường xuyên thực hiện việc rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng, mạng xã hội (như: Trang cá nhân trên Facebook, email, điện thoại…; Xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn địa phương, qua đó cung cấp, chuyển thông tin các đối tượng này sang cho cơ quan công an địa phương đề nghị điều tra làm rõ.
  • Ba là, tiếp nhận thông tin về giao dịch qua ngân hàng của một số doanh nghiệp có dấu hiệu đáng ngờ từ Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng chống rửa tiền) theo Quy chế phối hợp số 1319/QCPH-CQTTGSNH-TCT ngày 11/5/2105 giữa Tổng cục Thuế với Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với Trung tâm thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng nhà nước để được cung cấp thông tin về vay vốn ngân hàng, tín dụng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phát hiện doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, mua bán hoá đơn.
  • Bốn là, cơ quan thuế cử người (cán bộ; đoàn thanh tra, kiểm tra, …) liên hệ và làm việc với với các ngân hàng thương mại mà NNT giao dịch (Hội sở, hoặc Chi nhánh, hoặc Phòng giao dịch, …) để đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thực tế thanh toán qua ngân hàng của NNT để làm cơ sở xử lý về thuế, thanh tra, kiểm tra các trường hợp NNT có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn thuế, mua bán hóa đơn, xử lý theo quy định.
  • Năm là, trong công tác phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, thời gian qua cơ quan thuế tiếp tục tổng hợp các hành vi vi phạm và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an điều tra xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

(Nguồn: Gdt.gov.vn – Mục Tin tức – Tin bài về Thuế - Đăng ngày: 11/03/2021)

Về mục lục

IV. Doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 01/3/2021, Thông tư số 03/2021/TT-BTC, ngày 11/01/2021 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Mức, thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Thông tư này.

Theo đó, đối tượng được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Thông tư cũng quy định rõ, trong thời gian đang được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu năm nào doanh nghiệp khoa học và công nghệ không đáp ứng điều kiện về doanh thu của các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu năm của doanh nghiệp thì năm đó doanh nghiệp khoa học và công nghệ không được hưởng ưu đãi và được tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Trường hợp doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã có thu nhập chịu thuế nhưng thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn thuế, giảm thuế của năm đầu tiên dưới 12 (mười hai) tháng thì doanh nghiệp khoa học và công nghệ được lựa chọn hưởng miễn thuế, giảm thuế ngay trong năm đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được miễn thuế, giảm thuế vào năm tiếp theo.

Nếu doanh nghiệp đăng ký để miễn thuế, giảm thuế vào năm tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của năm đầu tiên đã có thu nhập chịu thuế để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã hoặc đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi doanh nghiệp khoa học và công nghệ) mà được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ được xác định bằng thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ trừ đi thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã hưởng theo điều kiện ưu đãi khác.

Nếu doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang hoạt động và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền bổ sung sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ vào Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ bổ sung được hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang được hưởng cho thời gian còn lại.

Tại Thông tư, Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể, thủ tục tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi và kê khai vào Bảng kê ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ kèm theo Thông tư này. Bảng kê ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được gửi kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

V. Mức phạt tiền đối với các lỗi về chứng từ kế toán được quy định thế nào?

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đã quy định cụ thể các mức phạt tiền đối với các lỗi về chứng từ trong lĩnh vực kế toán.

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.

Bên cạnh đó, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các hành vi như: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký; Ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký; Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ… sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.

Ngoài ra, mức phạt tiền hành vi vi phạm hành chính liên quan đến chứng từ được quy định như sau:

  • Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán.
  • Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng hành vi không dịch các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VI. Đối tượng bắt buộc phải thực hiện kiểm toán nội bộ

Theo quy định tại Thông tư số 8/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021, có 03 nhóm đối tượng bắt buộc phải thực hiện kiểm toán nội bộ.

Theo Thông tư số 8/2021/TT-BTC, kiểm toán nội bộ được thực hiện ở những đơn vị có mục đích, quy mô, mức độ phức tạp và cơ cấu khác nhau và do nhân sự ở trong và ngoài đơn vị thực hiện. Việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam là thiết yếu trong việc hoàn thành trách nhiệm kiểm toán của người làm công tác kiểm toán nội bộ và của hoạt động kiểm toán nội bộ.

Theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP, các đối tượng bắt buộc phải thực hiện kiểm toán nội bộ bao gồm: 

  • Thứ nhất: Cơ quan nhà nước bao gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • Thứ hai: Các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số người lao động hiện có (bao gồm số biên chế có mặt, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Chính phủ và lao động hợp đồng chuyên môn khác) trong một năm từ 20 tỉ đồng trở lên hoặc sử dụng từ 200 người lao động trở lên phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.
  • Thứ ba: Các doanh nghiệp bao gồm các công ty niêm yết, doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.

Trong đó, việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các cơ quan nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới. Đối với các doanh nghiệp có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ.

Trường hợp doanh nghiệp đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ quy định… 

Riêng việc đi thuê thực hiện kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VII. Hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn gồm những gì?

Để được miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, người nộp thuế thuộc đối tượng được miễn phải có đơn đề nghị miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt và hồ sơ kèm theo gửi người/cơ quan đã ra quyết định xử phạt.

Theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn, người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bị thiệt hại về vật chất trong trường hợp bất khả kháng được miễn tiền phạt.

Mức miễn tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).

Để được miễn tiền phạt, người nộp thuế phải nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm: Đơn đề nghị miễn tiền phạt, trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn tiền phạt; xác định giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, số tiền phạt, số tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) đề nghị được miễn; Văn bản đề nghị miễn tiền phạt của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt hoặc cơ quan của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt, trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn tiền phạt, số tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định miền tiền phạt.

Người nộp thuế phải nộp văn bản xác nhận người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ và thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng của một trong các cơ quan, tổ chức sau: Công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng; tổ chức cứu hộ, cứu nạn; cơ quan có thẩm quyền công bố dịch bệnh (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực);

Hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn còn phải có biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập; Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực), trừ trường hợp có hồ sơ bồi thường; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Thông báo của cơ quan thuế về số tiền phạt còn nợ tại thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng và tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt; Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có); Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nêu rõ, không miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt. Trường hợp được miễn tiền phạt thì cũng được miễn tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

Đặc biệt, người nộp thuế đã được miễn tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn tiền phạt.

Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn không đúng quy định và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn không đúng quy định. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VIII. Xử lý tài chính, tài sản mua, tiếp nhận của DATC đối với doanh nghiệp tái cơ cấu

Đây là một trong những nội dung đang được một số doanh nghiệp quan tâm, cần giải đáp. Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, nguyên tắc xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn liền với việc DATC chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp và không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây, đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Nội dung xử lý tài chính, đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp. DATC xem xét, giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.

Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu được căn cứ theo Quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về xác định giá trị doanh nghiệp trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ; Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên;

Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu doanh nghiệp tái cơ cấu có phát sinh lỗ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định, số lỗ còn lại được DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách khoản nợ.

Đối với các doanh nghiệp khác là bên nợ của DATC gắn với phương án xử lý thu hồi nợ. DATC giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp nợ trên cơ sở đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết đã thống nhất giữa các bên. Mức giảm trừ tối đa không quá số lỗ lũy kết trên báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.

Nghị định cũng nêu rõ, việc xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn liền với việc DATC chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp và không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây; Đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Cùng với việc quy định về xử lý tài chính đối doanh nghiệp tái cơ cấu, Chính phủ cũng quy định nguyên tắc xử lý tài sản mua, tiếp nhận. Theo đó, khi xử lý tài sản mua, tiếp nhận, DATC phải tuân thủ các quy định sau:

Tài sản phải được đánh giá lại giá trị thông qua tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và làm cơ sở để xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Trường hợp sử dụng tài sản, dự án để hợp tác kinh doanh, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết thì giá trị góp vốn thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận giữa các bên nhưng không thấp hơn giá trị được tổ chức tư vấn định giá lại.

Tổ chức bán đấu giá công khai, chào giá cạnh tranh hoặc thỏa thuận trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với tài sản tiếp nhận được DATC sử dụng vào mục đích kinh doanh thì DATC nộp tiền về ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp tương ứng với giá trị tài sản định giá lại sau khi trừ (-) đi chi phí chuyển trả cho doanh nghiệp giữ hộ tài sản trước khi bàn giao cho DATC và các chi phí liên quan đến việc DATC tiếp nhận, định giá tài sản.

Đối với tài sản mua, tiếp nhận theo chỉ định, DATC căn cứ vào phương án mua, bán, xử lý tài sản chỉ định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có) và các hình thức, nguyên tắc xử lý tài sản quy định tại Điều 18 và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 19 Nghị định này để xử lý.

Trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng (+) một phần chi phí quản lý.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

IX. 04 trường hợp được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế năm 2020

Thực hiện Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19, trường hợp người nộp thuế có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, các đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Cụ thể, có 04 trường hợp thuộc diện được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp tổ chức có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, gồm:

  • Thứ nhất: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Thứ hai: Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
  • Thứ ba: Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Thứ tư: Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

X. Thêm nhiều trường hợp không thu thuế xuất, nhập khẩu

Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã bổ sung các trường hợp không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế như: hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất; hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất.

Trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm; hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế xuất nhập khẩu nhưng không có hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc xuất nhập khẩu ít hơn so với hàng hóa xuất nhập khẩu đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu cũng thuộc trường hợp không thu thuế.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế xuất nhập khẩu quy định về hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất.

Người nộp thuế nộp hồ sơ không thu thuế cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan.

Hồ sơ không thu thuế gồm công văn yêu cầu không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan hoặc 01 bản chính công văn yêu cầu không thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối với trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế, ngoài công văn yêu cầu không thu thuế, người nộp thuế nộp hồ sơ tương tự như hồ sơ hoàn thuế.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

XI. Đổi thẻ căn cước công dân gắn chíp cần làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 có quy định về thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi, cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Hiện nay, các cơ quan công an trên cả nước đã và đang thực hiện việc cấp mới căn cước công dân có gắn chíp cho người dân theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BCA, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 40/2019/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn Luật Căn cước công dân.

Như vậy, theo quy định của Luật Quản lý Thuế, khi có thay đổi thông tin liên quan đến số căn cước công dân mới và cũng là số định danh chính thức của công dân, công dân đã được ngành Thuế cấp mã số thuế cá nhân khi đã có căn cước công dân mới với số căn cước công dân mới (12 số) và cũng chính là mã định danh cá nhân mình cần làm các thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế.

Nếu công dân có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế dành cho cá nhân, trong đó, mã số thuế đã được cấp vẫn giữ nguyên chỉ thay đổi số căn cước công dân mới thì liên hệ với cục thuế địa phương để được hướng dẫn các thủ tục đồng bộ các giấy tờ cá nhân liên quan đến số căn cước. Cơ quan Thuế các địa phương sẽ chủ động và nhanh chóng cập nhập dữ liệu mới trên cơ sở thông tin đăng ký thay đổi của cá nhân.

Sau khi thực hiện hoàn tất việc thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế, công dân có thể tra cứu mã số thuế cá nhân bằng số căn cước công dân mới. Trong thời gian cá nhân chưa thực hiện đăng ký thay đổi thông tin căn cước công dân mới với cơ quan thuế, cá nhân vẫn có thể tra cứu mã số thuế cá nhân đã được cấp dựa trên thông tin của chứng minh nhân dân cũ.

Việc thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế được thực hiện theo 2 cách phụ thuộc vào đối tượng làm việc hay không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập. Cụ thể:

  • Thứ nhất: Đối với cá nhân làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập, khi thay đổi thông tin đăng ký thuế có thể ủy quyền cho cơ quan chi trả thực hiện thay đổi giúp cá nhân. Và phải thông báo cho cơ quan chi trả thu nhập chậm nhất 10 ngày làm việc (kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi); tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế quản lý chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ủy quyền của cá nhân.
  • Thứ hai: Đối với cá nhân không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập thì thực hiện nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế trực tiếp tại Chi cục Thuế (nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú), cá nhân cũng có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến cơ quan thuế.

Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 105/2020/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 03/12/2020 hướng dẫn về địa điểm nộp và hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế.

Trong đó, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với trường hợp nộp qua cơ quan chi trả thu nhập bao gồm: Văn bản ủy quyền (đối với trường hợp chưa có văn bản ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập trước đó) và bản sao các giấy tờ có thay đổi thông tin liên quan đến đăng ký thuế của cá nhân hoặc người phụ thuộc.

Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp thông tin thay đổi của cá nhân hoặc người phụ thuộc vào Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH-TCT hoặc mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

Đối với trường hợp nộp trực tiếp tại cơ quan thuế sẽ bao gồm:

  • Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020.
  • Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực của mình và cả người phụ thuộc là người có quốc tịch Việt Nam.
  • Bản sao hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài trong trường hợp thông tin đăng ký thuế trên các giấy tờ này có thay đổi.

 (Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

THAM GIA NHÓM Zalo TẠI ĐÂY để nhận bản tin từ Bkav

Đăng nhận xét

0 Nhận xét