5 doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Công Thương trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

 

Đến thời điểm này, sau thời gian hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự thủ tục, pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật của dịch vụ, đã có 5 đơn vị đầu tiên được Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu cấp xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam. 5 đơn vị đầu tiên đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử là Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT; Tổng Công ty viễn thông Viettel; Công ty Cổ phần BKAV; Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone; Công ty TNHH Tổng Công ty công nghệ và giải pháp CMC. Đây đều là những Tập đoàn, Công ty hàng đầu tại Việt Nam về các giải pháp công nghệ thông tin và Viễn thông. 

Chiều ngày 31/8/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp, dịch vụ phần mềm FPT, Viettel Telecom, BKAV, Mobifone, CMC. 

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Đặng Hoàng Hải chủ trì buổi lễ. 

Cầu nối cho các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử 

Vai trò của Chuyển đổi số là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước hiện nay. Phát triển và ứng dụng Hợp đồng điện tử trong xã hội là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ được ban hành tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, theo kế hoạch đã ban hành, mục tiêu Chính phủ đã đặt ra là đến năm 2025 có 80% doanh nghiệp ứng dụng Hợp đồng điện tử và 2030 đạt 100% doanh nghiệp ứng dụng Hợp đồng điện tử. 

 

Thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025”, trong thời gian gần 2 năm qua, Bộ Công Thương đã xây dựng hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn) và công bố với đông đảo doanh nghiệp, cơ quan truyền thông vào ngày 16/6/ /2022 vừa qua. Hệ thống Trục sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cho toàn bộ hoạt động ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam, là cầu nối các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực, dấu thời gian, chữ ký số, ký chéo cross-signing, v.v… từ đó tạo nền tảng để chứng thực và xác thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; trong đó quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp đăng ký cho các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (Certified eContract Authority – CeCA), từ tháng 9/2021 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã nhận được 26 công văn đăng ký cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp. 

Đến thời điểm này, sau thời gian hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự thủ tục, pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật của dịch vụ, đã có 5 đơn vị được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu cấp xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam. 5 đơn vị đầu tiên đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử là FPT, VIETTEL, MOBIFONE, BKAV và CMC. Hiện tại đây đều là những Tập đoàn, Công ty hàng đầu tại Việt Nam về các giải pháp công nghệ thông tin và Viễn thông.

Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh, Lễ trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực Hợp đồng điện tử này là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Đặc biệt đối với hoạt động giao kết, ký kết hợp đồng điện tử trong nước, sau đó là với nước ngoài, xuyên biên giới. việc hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong nước, quốc tế nói chung. 

Chính vì vậy, Cục trưởng Đặng Hoàng Hải đề nghị các doanh nghiệp được cấp đăng ký thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật và một số điều sau đây:

Một là, các Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực hợp đồng điện tử phải đảm bảo tuân thủ các nội dung Đề án cung cấp dịch vụ đã trình và được phê duyệt. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ thường xuyên thẩm tra, kiểm tra giám sát việc hiện của các đơn vị và có thể Hủy bỏ, Chấm dứt đăng ký với các CeCA không thực hiện đúng các nội dung Đề án;

Hai là, các Tổ chức xác thực hợp đồng điện tử có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, chịu trách nhiệm về tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ;

Ba là, Trung tâm Tin học và Công nghệ số cần đảm bảo triển khai hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của các đơn vị, sớm kết nối với các hệ thống của Bộ Công An, Bộ Tư pháp, các cơ quan hòa giải, trọng tài thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ cho các CeCA và doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng hợp đồng điện tử;

Cuối cùng, ông Đặng Hoàng Hải mong muốn phóng viên đồng hành, liên tục phổ biến về các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình nhằm lan tỏa để doanh nghiệp, người dân biết, tích cực tham gia thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Năm đơn vị tiên phong trong cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng Chuyển đổi số SME, thành viên tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết, dịch vụ Hợp đồng điện tử hiện nay đã được Bkav cung cấp chính thức tại website https://eContract.vn. Sau một thời gian dài chuẩn bị về hạ tầng, công nghệ, giải pháp, Bkav eContract đã chính thức được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận là đơn vị cung Dịch vụ Chứng thực Hợp đồng điện tử. Đây là điều kiện quan trọng để Bkav có thể sớm triển khai rộng Dịch vụ đến khách hàng trên cả nước. Bkav eContract không chỉ giúp cho Doanh nghiệp tiết kiệm đến 80% chi phí mà còn giúp rút gọn quy trình mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Đặc biệt các hợp đồng khi có sự xác thực của Bộ Công Thương sẽ đảm bảo giá trị cao nhất hạn chế các rủi ro cho các bên tham gia. “Bkav eContract sẽ giúp Doanh nghiệp Chuyển đổi số toàn diện trong việc ký kết các loại hợp đồng với khách hàng, đối tác.” ông Din khẳng định.

Ông Đỗ Quang Yên - Giám đốc giải pháp Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC (CMC TS) cũng chia sẻ thêm, với gần 30 năm kinh nghiệm tại Việt Nam về việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số và bảo mật. CMC TS đã và đang đồng hành cùng hơn 10.000 tổ chức, doanh nghiệp toàn quốc trong các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số. C-Contract hiện đang được các đối tác lớn sử dụng như Vinhome, VinFast,Giao hàng nhanh, Vincomerce… quy mô lên đến hơn 2 triệu người dùng. Với việc Bộ Công Thương trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử này, CMC TS cam kết sẽ đồng hành cùng Bộ và các đơn vị CeCA tham gia vào Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt nam một cách toàn diện, đầy đủ hệ sinh thái công nghệ. 

Trao đổi với các doanh nghiệp và đại biểu tại buổi lễ, ông Phan Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Viễn thông Viettel giới thiệu, ngoài những tính năng, dịch vụ hiện có trên thị trường hiện nay như ký số, OTP, eKYC, ký ảnh, dịch vụ vContract của Viettel Telecom là giải pháp Chứng thực Hợp đồng điện tử duy nhất ứng dụng công nghệ eKYC (kết hợp Video Call) để định danh 100% người dùng trên hệ thống (khi lần đầu tiên đăng nhập), có kết nối với dữ liệu định danh của viễn thông lớn nhất Việt Nam, nhằm tăng độ chính xác của phương án định danh. 

Vinh dự là một phần trong những nỗ lực nhằm xây dựng và thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử đi vào thực tiễn, ông Thân Minh Ngọc, PGD Khối Doanh nghiệp, Công ty Hệ thống Thông tin FPT cho biết, FPT IS là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp đăng ký Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA). Là tổ chức công nghệ thông tin đã và đang cung cấp hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ tối đa cho việc ký kết điện tử từ nền tảng ký FPT.eContract, chữ ký số FPT.eSign kết hợp cùng các phương thức định danh điện tử eKYC, FPT IS đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống. Đến nay, nền tảng FPT.eContract cũng đã có sẵn chức năng lựa chọn hình thức xác thực với dấu xác thực của Bộ Công Thương để truyền mã nội dung thông tin qua hệ thống xác thực tài liệu điện tử FPT.CeCA kiểm tra và truyền lên Trục CeCA. Đồng thời FPT cấp Giấy chứng nhận xác thực hợp đồng cho phép bên thứ ba tra cứu, xác thực hợp đồng khi cần đối chiếu. Bên cạnh đó, các tổ chức đã có hệ thống ký kết điện tử có nhu cầu xác thực tính pháp lý cho nội dung hợp đồng, có thể thông qua FPT.CeCA để xác thực với dấu thời gian và chữ ký số của Bộ Công Thương.
http://  
Ý thức được trách nhiệm của mình trên con đường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, năm doanh nghiệp tiên phong được trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ Chứng thực Hợp đồng điện tử đã cam kết sẽ không ngừng cải tiến, nâng cấp và ứng dụng nhiều hơn nữa các tiến bộ của công nghệ thông tin để mang đến cho khách hàng thật nhiều trải nghiệm tốt hơn nữa, đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật, sẵn sàng phối hợp Bộ Công Thương để thực hiện các báo cáo, thống kê về tình hình ứng dụng hợp đồng điện tử của doanh nghiệp theo Quy định và đồng hành cùng Bộ Công Thương góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đề ra, hướng tới mục tiêu 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong năm 2022 theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số.

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét