BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 07/2021

 

BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 07/2021

(Thực hiện bởi Công ty Cổ phần Bkav)

 

I.    Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ

II.   Thêm 3 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, cấp thẻ BHYT miễn phí từ 01/07/2021

III.  Hướng dẫn thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất

IV.   Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

V.    Tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội đối với một số trường hợp từ ngày 08/08/2021

VI.   BHXH Việt Nam kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

VII.  Chấm điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh

VIII. Thanh tra cơ sở khám chữa bệnh cấp chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội có dấu hiệu bất thường

I. Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ

Trong quá trình kê khai Bảo hiểm xã hội điện tử trên Bkav IVAN, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng thực hiện theo 1 trong 4 cách dưới đây:

  • Cách 1 (cách nhanh nhất để được hỗ trợ hiệu quả): Chat trực tiếp tại link https://m.me/BkavIVAN hoặc https://zalo.me/4458938702350836836.
  • Cách 2: Gửi mail tới Trung tâm khách hàng Bkav CA qua địa chỉ BkavCA@bkav.com với nội dung cần hỗ trợ, Bkav sẽ phản hồi lại trong thời gian sớm nhất.
  • Cách 3: Liên hệ tổng đài 1900 1854.
  • Cách 4: Xử lý vấn đề đang gặp phải theo các bước đơn giản trong bài hướng dẫn tại https://noptokhai.vn/ivan/huong-dan hoặc tìm kiếm thông tin hướng dẫn về nghiệp vụ, cách sử dụng phần mềm tại https://Hotro.bkav.com.

Về mục lục

II. Thêm 3 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, cấp thẻ BHYT miễn phí từ 01/07/2021

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Cụ thể, so với quy định hiện nay tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, gồm:

1. Người cao tuổi từ đủ 75 – 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với điều kiện:

  • Không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
  • Đang sống tại địa bàn các xã, thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

2. Trẻ em dưới 03 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn và không thuộc các trường hợp:

  • Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng do bị bỏ rơi mà chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ hoặc cả cha, mẹ đều bị tuyên bố mất tích.
  • Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.
  • Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng.

3. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng (tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng).

Lưu ý: Nếu các đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT miễn phí mà thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ thì chỉ được cấp một thẻ BHYT có quyền lợi cao nhất.

Nghị định 20/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/03/2021 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2021.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

III. Hướng dẫn thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 4614/BYT-KHTC ngày 09/06/2021 Hướng dẫn một số nội dung của Thông tư 04/2021/TT-BYT về thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Theo đó, tại Công văn số 4614/BYT-KHTC ngày 09/06/2021 về việc Hướng dẫn một số nội dung Thông tư số 04/2021/TT-BYT gửi BHXH Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các Bộ, Ngành, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện Thông tư số 04/2021/TT-BYT cần lưu ý một số nội dung như:

  • Quy định các số liệu để tính toán quỹ định suất năm 2021 căn cứ vào số liệu năm 2019; trong đó, cơ sở KCB tổ chức thực hiện hợp đồng KCB BHYT có hiệu lực từ 01/01/2019, đồng thời, tiếp tục thực hiện hợp đồng KCB BHYT từ ngày 01/01/2021.
  • Phạm vi định suất đối với cơ sở từ tuyến huyện trở xuống là toàn bộ chi phí KCB ngoại trú phát sinh tại cơ sở trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. 
  • Quỹ định suất của năm 2021 được tính từ ngày 01/01/2021, trong đó các số liệu để tính toán quỹ định suất năm 2021 được thực hiện theo các quy định sau: Số thẻ tương đương của cơ sở, của tỉnh do tăng hoặc giảm thẻ quy đổi xác định theo chênh lệch số thẻ quy đổi của năm 2021 so với năm 2019; tổng quỹ định suất toàn quốc năm 2021 tính theo công thức: 

Tổng quỹ định suất toàn quốc năm 2021 = [(CP x TL) + (CP / Số thẻ quy đổi 2019)] x (Số thẻ quy đổi năm 2021 – Số thẻ quy đổi năm 2019).

Trong đó, CP là số chi KCB trong phạm vi định suất năm 2019 được quyết toán theo quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật BHYT; TL là tỷ lệ chi phí KCB BHYT trong phạm vi định suất trong tổng chi KCB BHYT thuộc trách nhiệm thanh toán của cơ quan BHXH thực hiện tính quỹ định suất toàn quốc năm 2019.

Trước đó, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BYT về Hướng dẫn thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất; theo đó, phạm vi định suất đối với cơ sở từ tuyến huyện trở xuống là toàn bộ chi phí KCB ngoại trú trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đối với cơ sở tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, áp dụng đối với tất cả cơ sở có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu và toàn bộ chi phí KCB ngoại trú trong phạm vi định suất của người bệnh đăng ký KCB ban đầu phát sinh tại cơ sở.

Bên cạnh đó, phạm vi định suất không bao gồm:

  • Các chi phí KCB của các đối tượng có mã thẻ quân nhân (QN), cơ yếu (CY), công an (CA);
  • Chi phí vận chuyển người bệnh có thẻ BHYT;
  • Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng dịch vụ kỹ thuật thận nhân tạo chu kỳ hoặc dịch vụ kỹ thuật lọc màng bụng hoặc dịch lọc màng bụng;
  • Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc chống ung thư hoặc dịch vụ can thiệp điều trị bệnh ung thư đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh ung thư gồm các mã từ C00 đến C97 và các mã từ D00 đến D09 thuộc bộ mã Phân loại bệnh quốc tế lần thứ X (sau đây viết tắt là ICD-10);
  • Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc điều trị Hemophilia hoặc máu hoặc chế phẩm của máu đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh Hemophilia gồm các mã D66, D67, D68 thuộc bộ mã ICD-10;
  • Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc chống thải ghép đối với người bệnh ghép tạng; toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc điều trị viêm gan C của người bệnh bị bệnh viêm gan C;
  • Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc kháng HIV hoặc dịch vụ xét nghiệm tải lượng HIV của người bệnh có thẻ BHYT được chẩn đoán bệnh HIV.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

IV. Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng chưa được quy định trong luật.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn, nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.

Đánh giá tác động của Luật BHXH 2014, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Theo thống kê, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Tuy nhiên hiện nay nhóm này chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể hiện đang tham gia BHXH tự nguyện.

Cả nước cũng có khoảng 23.000 hợp tác xã hoạt động, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; trong đó có 1,2 triệu người lao động làm việc trong khu vực hợp tác xã. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan BHXH thì hiện nay mới có gần 7.000 hợp tác xã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho khoảng 41.000 người lao động.

Qua khảo sát tại một số địa phương, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc.

Đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về diện bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, bổ sung tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Đồng thời, quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

V. Tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội đối với một số trường hợp từ ngày 08/08/2021

Ngày 24/06/2021, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Cụ thể, theo Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH, kể từ ngày 08/08/2021, sẽ tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng trong các trường hợp sau:

  • Thứ nhất, không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên.
  • Thứ hai, không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý.
  • Thứ ba, người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH cũng quy định rõ dừng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất, đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người nhận chăm sóc nuôi dưỡng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật.
  • Thứ hai, đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định.
  • Thứ ba, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
  • Thứ tư, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

 (Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VI. BHXH Việt Nam kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Từ ngày 01/07/2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư chính thức được vận hành, ghi dấu mốc quan trọng trong công tác điều hành và phát triển đất nước. Với những nỗ lực tạo nên kết quả tích cực trong xây dựng CSDLQG về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã vinh dự là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ CSDLQG về dân cư.

  • Phát huy vai trò là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, BHXH Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Do đó, việc xây dựng CSDL người tham gia BHXH, BHYT luôn được BHXH Việt Nam ưu tiên triển khai. Hiện nay, CSDL của BHXH Việt Nam đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Năm 2020, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết 87 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chưa kể khoảng 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên thông trên Hệ thống Giám định BHYT), từ tháng 01/2021 đến nay đã có 38,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được tiếp nhận và giải quyết.

Việc xây dựng các CSDL này góp phần giúp ngành BHXH Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như hiệu quả quản lý và cải cách hành chính phục vụ Nhân dân, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Với vai trò là cơ quan chủ quản CSDLQG về bảo hiểm, đến nay, BHXH Việt Nam đã ban hành và triển khai trong toàn Ngành kế hoạch thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP; hoàn thiện Kế hoạch ứng dụng CNTT phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam thực hiện kết nối với CSDLQG về dân cư để xác thực thông tin công dân khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID-BHXH số; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.

Tính đến hết ngày 19/06/2021, toàn quốc có 13.271.990 hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 52,34% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, từ ngày 01/06/2021, BHXH Việt Nam phối hợp với ngành Y tế chính thức triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đây được coi là một trong những bước đi quan trọng của BHXH Việt Nam trong kế hoạch triển khai dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhằm mang đến nhiều tiện ích cho người dân.

Theo đó, người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT sẽ không cần phải mang theo thẻ BHYT giấy, thay vào đó có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Cách làm này đã giúp loại bỏ, đơn giản thủ tục khám chữa bệnh; đồng thời, người dân cũng không cần phải lo lắng việc bảo quản thẻ BHYT, quên thẻ BHYT; tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khám chữa bệnh được đảm bảo.

  • Tích cực kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Với những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong công tác xây dựng CSDL cho người tham gia BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên ngoài ngành được Bộ Công an lựa chọn, triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ CSDLQG về dân cư. Đây là 2 trong số 6 CSDLQG quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số của quốc gia.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư nhằm thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT (đối với các trường hợp có dữ liệu trong CSDLQG về dân cư); qua đó rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam. Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc rà soát đối chiếu với 8,1 triệu thông tin cá nhân từ CSDLQG về dân cư.

Song song đó, BHXH Việt Nam đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ CSDLQG về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID của Ngành. Nhờ đó, người dân khi đăng ký giao dịch điện tử với BHXH Việt Nam càng thêm thuận tiện.

Cụ thể, khi công dân sử dụng căn cước công dân (CCCD) để đăng ký tài khoản giao dịch điện tử: Hệ thống tự động đối chiếu, xác thực thông tin do công dân kê khai, thông tin trong cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam đang quản lý (Họ tên, số CCCD, ngày sinh, giới tính) với thông tin được lưu trữ trong CSDLQG về dân cư.

Bước xác thực trên giúp làm tăng tính chính xác của thông tin do được đối chiếu với thông tin gốc của người dân. Đồng thời, công dân không cần phải cập nhật ảnh CCCD đính kèm, cơ quan BHXH không phải lưu giữ ảnh CCCD; qua đó góp phần giảm nguy cơ lộ lọt thông tin, giấy tờ cá nhân.

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này đã có khoảng 2 triệu lượt đăng ký được xác thực. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đồng bộ với CSDLQG về dân cư để hoàn thiện các thông tin gốc trong CSDLQG về bảo hiểm.

Đồng thời, rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin; đề xuất cho phép sử dụng căn cước công dân có gắp chíp thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Các bệnh viện có thể đọc thông tin từ mã vạch QR code trên CCCD sau đó gửi yêu cầu đến cơ quan BHXH và nhận được các thông tin do cơ quan BHXH Việt Nam quản lý và thực hiện việc khám chữa bệnh theo đúng quy định, giống như việc sử dụng thẻ BHYT giấy hoặc thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam trong khám chữa bệnh hiện nay.

Mặt khác, BHXH Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ CCCD gắn chíp vào việc chống lạm dụng Quỹ BHXH, BHYT.

Khi ứng dụng được công nghệ này, người dân không thể mượn thẻ của người khác để lạm dụng trục lợi Quỹ BHXH, BHYT khi đi khám chữa bệnh hay khi hưởng các chế độ BHXH.

 

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VII. Chấm điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh

Sau 4 ngày sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT, đến nay, các cơ sở y tế, cũng như người dân tiếp nhận khá tích cực.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc dùng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID giúp các thủ tục khám chữa bệnh đơn giản, nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Người tham gia BHYT không lo quên hoặc mất thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.

  • Nhiều lợi ích thiết thực cho người dân

Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT dù mới lạ, song các cơ sở y tế, cũng như người dân tiếp nhận khá tích cực. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao, cho rằng đây là sự thay đổi phù hợp với thời đại số, mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia và cơ sở khám chữa bệnh.

  • Bệnh viện tích cực triển khai

Tại các cơ sở khám chữa bệnh, theo ghi nhận tại Hà Nội, trong những ngày qua, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viên Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… đều đã tiếp nhận rất nhiều người dân đến khám chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy.

Qua kiểm tra của BHXH TP. Hà Nội về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các bệnh viện này đã được trang bị đầy đủ đầu đọc thẻ BHYT, nhân viên ở khu vực tiếp đón đều được đào tạo và sử dụng phần mềm kết nối, kiểm tra thông tin trên Cổng tiếp nhận của Hệ thống Thông tin Giám định BHYT.

  • Lan tỏa tiện ích đến mọi người dân

Ngay khi nhận được chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh, BHXH các tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Y tế địa phương để nhanh chóng đưa tiện ích này phổ biến rộng rãi trong Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa- Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, trong ngày 01/06/2021, BHXH TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 2506/BHXH-VP gửi tới các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn đề nghị khẩn trương phối hợp thực hiện; đồng thời, BHXH Thành phố cũng đã phối hợp với Sở Y tế thống nhất ban hành Hướng dẫn liên ngành số 2510/HD-YT-BHXH gửi tới các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.

Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cũng đã trực tiếp đi kiểm tra việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại một số Bệnh viện trên địa bàn, nhằm đảm bảo tiện ích này được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

Như vậy, sau gần 4 ngày triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh, người tham gia BHYT đã sử dụng dịch vụ này đều cho rằng, việc dùng thẻ BHYT trên VssID giúp các thủ tục khám chữa bệnh đơn giản, nhanh, chính xác và thuận tiện.

Người tham gia BHYT không lo quên hoặc mất thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh; đồng thời có thể tự kiểm tra được lịch sử khám chữa bệnh của bản thân, nắm rõ được các cơ sở khám chữa bệnh đã cung cấp các loại thuốc, vật tư y tế và dịch vụ y tế cho mỗi lần khám chữa bệnh.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VIII. Thanh tra cơ sở khám chữa bệnh cấp chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội có dấu hiệu bất thường

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh đã cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH có dấu hiệu bất thường.

Tại Công văn số 1511/BHXH-CSXH ngày 01/06/2021, BHXH Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, qua công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện có tình trạng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện cấp chứng từ hưởng BHXH không đúng quy định cho người lao động để thanh toán chế độ BHXH, có trường hợp trục lợi chính sách, vi phạm các quy định của pháp luật về chính sách an sinh xã hội.

Về việc này, BHXH Việt Nam đã có các văn bản chỉ đạo như Công văn số 4733/BHXH-CSXH ngày 18/12/2019, Công văn số 3103/BHXH-CSXH ngày 01/10/2020 và ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp nhận, giải quyết các chế độ BHXH của Tổng Giám đốc tại các Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành.

Để ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KCB, pháp luật về BHXH, gây thất thoát lãng phí, trục lợi quỹ BHXH; BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trên cơ sở dữ liệu hiện có tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) tại các cơ sở KCB đã cấp các GCN có dấu hiệu bất thường nêu trên hoặc các dấu hiệu bất thường.

Đồng thời, dừng chi trả ngay đối với các chứng từ đã xác định không hợp lý, không hợp lệ; bằng mọi biện pháp thu hồi về quỹ số tiền đã chi trả chế độ với GCN cấp sai quy định nêu trên. Khai thác triệt để các ứng dụng phần mềm khi xét duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản và trong công tác hậu kiểm.

BHXH các tỉnh, thành phố rà soát lại việc cấp GCN của các cơ sở KCB trên địa bàn; trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra. Trường hợp cần thiết thì chuyển cơ quan công an để điều tra, xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn về quản lý, đấu tranh phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng lao động, người lao động để tiếp nhận phản ánh về những biểu hiện bất thường về tình trạng nghỉ việc hưởng BHXH của người lao động trong đơn vị. Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tổ chức triển khai văn bản này và kịp thời báo cáo về BHXH Việt Nam.

 (Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

 

Trân trọng cảm ơn !

_____________________________________________________

Phần mềm BHXH điện tử | Chữ ký số | Hóa đơn điện tử

Đăng nhận xét

0 Nhận xét